Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm: Yêu cầu thiết yếu để nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí

Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm: Yêu cầu thiết yếu để nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí

Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm: Yêu cầu thiết yếu để nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí

30.03.2022 154

Các chuyên gia nhấn mạnh: Nội kiểm và ngoại kiểm là yêu cầu bắt buộc để khẳng định chất lượng dịch vụ xét nghiệm. Chất lượng xét nghiệm đạt chuẩn là cơ sở để các đơn vị khám chữa bệnh có thể công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, giảm chi phí xét nghiệm cho người bệnh..

Hội thảo tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm giai đoạn 2019- 2021 đã được Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm- Trường ĐH Y Hà Nội, tổ chức ngày 29/ 3 tại trường ĐH Y Hà Nội. GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo


GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Huy Linh

Tại hội thảo, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm cho biết, 12 năm qua, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học đã song hành cùng các cơ sở xét nghiệm triển khai các chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng xét nghiệm trong nước, góp phần kiểm soát chặt chẽ chất lượng xét nghiệm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Chất lượng, số lượng các đơn vị xét nghiệm tăng nhanh
Về công tác xét nghiệm nói chung, theo GS.TS Tạ Thành Văn trong 10 năm gần đây, số các phòng xét nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tham gia ngoại kiểm đã tăng nhanh, từ số chỉ có 30 – 40 cơ sở tham gia đến nay đã có hơn 800 cơ sở (tại các tỉnh từ Huế trở ra) tham gia kiểm chuẩn. Chất lượng xét nghiệm của các đơn vị đã tăng nhanh, từ chỗ chỉ dưới 50% các đơn vị đạt yêu cầu đến nay đã tăng lên 80%.
Hiện, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm bắt đầu triển khai chương trình ngoại kiểm các xét nghiệm: tinh dịch đồ trong điều trị vô sinh, hiếm muộn; giải phẫu bệnh (trong chẩn đoán các bệnh khó, bệnh hiểm nghèo như ung thư) và các ngoại kiểm khác về miễn dịch, sàng lọc trước sinh…
Kết quả xét nghiệm có vai trò quan trọng, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán, đánh giá diễn biến bệnh, cũng như đưa ra chỉ định, phác đồ điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị.
“Kết quả kiểm chuẩn xét nghiệm của các cơ sở y tế được phân tích đánh giá, bảo mật và được Trung tâm thông báo cho từng phòng xét nghiệm thuộc khu vực quản lý. Qua đó giúp các phòng xét nghiệm tự đánh giá được quy trình và chất lượng xét nghiệm của mình để xác định được khâu nào, lĩnh vực nào cần phải đầu tư nâng cao hay cải tiến”- GS.TS Tạ Thành Văn chia sẻ.


GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: trong 10 năm gần đây, số các phòng xét nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh tham gia ngoại kiểm đã tăng nhanh, từ số chỉ có 30 – 40 cơ sở tham gia đến nay đã có hơn 800 cơ sở. Ảnh: Huy Linh

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, trong bối cảnh cả nước có hàng ngàn cơ sở khám chữa bệnh với nhiều cơ sở xét nghiệm quy mô khác nhau, do đó, việc thiết lập quản lý hệ thống, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình chuyên môn chuẩn cho toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cận lâm sàng là điều đặc biệt quan trọng, nhằm liên thông và công nhận kết quả lẫn nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, thực sự là vì quyền lợi người bệnh…

Đẩy mạnh ngoại kiểm “phủ sóng” đến tuyến huyện và các phòng khám tư nhân để đảm bảo chất lượng xét nghiệm
Từ khi dịch COVID-19 diễn ra, các phòng xét nghiệm COVID-19 tăng rất nhanh trên cả nước, chất lượng xét nghiệm được lãnh đạo Bộ Y tế và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, Trường ĐH Y Hà Nội được sự tài trợ của CDC Hoa Kỳ đã tiến hành đánh giá chất lượng xét nghiệm COVID-19 của các phòng xét nghiệm COVID-19 trong toàn quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống dịch, đem lại lòng tin cho nhân dân, có tác động lớn để góp phần phát triển kinh tế -xã hội.
Trong thời gian cao điểm của dịch, Trung tâm đã chủ động tập huấn chuyên môn online miễn phí cho các đơn vị và cá nhân trong toàn quốc với các nội dung thiết thực và cụ thể như: An toàn sinh học; cách lấy mẫu, mã hóa, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm; cách xử lý mẫu, tách chiết và phân tích mẫu; cách quản lý và trả kết quả xét nghiệm; quy trình quản lý đảm bảo chất lượng xét nghiệm COVID-19. Có thời điểm có tới trên 500 đầu cầu trong toàn quốc tham gia các bài giảng với hàng ngàn cán bộ.
Theo PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn, công tác ngoại kiểm đã góp phần ý nghĩa trong công tác khám chữa bệnh. Vì thế, Trung tâm đã tăng dần đều các chương trình ngoại kiểm, “phủ sóng” đến tuyến huyện và các phòng khám tư nhân để đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Ở các bệnh viện lớn, Trung tâm còn triển khai các chương trình đặc thù như tim mạch, nhóm máu, ung thư…
Số lượng các phòng xét nghiệm tham gia các chương trình ngoại kiểm của Trung tâm tăng hàng năm. Riêng năm 2020, khi xuất hiện dịch COVID-19, Trung tâm đã hỗ trợ các phòng xét nghiệm ngoại kiểm SARS-CoV-2 theo chương trình miễn phí do CDC tài trợ với số lượng tăng gần gấp đôi năm 2021.
Đặc biệt, so với những năm đầu, tỉ lệ các phòng xét nghiệm đạt yêu cầu về ngoại kiểm còn thấp, thì nay, đạt 100% ở chương trình sàng lọc trước sinh, 100% ở chương trình ngoại kiểm SARS-CoV-2…



Từ khi dịch COVID-19 diễn ra, các phòng xét nghiệm COVID-19 tăng rất nhanh trên cả nước.

Tiếp tục mở rộng triển khai ngoại kiểm xét nghiệm trong các lĩnh vực mới của hệ thống y học cận lâm sàng
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, số lượng phòng xét nghiệm, các đơn vị tham gia ngoại kiểm tăng lên theo thời gian về cả số lượng chương trình và số lượng thông số xét nghiệm của mỗi chương trình.
Việt Nam có 111 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm COVID-19
Phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm sáng đèn xuyên đêm
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Vĩnh Long đã có phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 công suất 400 mẫu/ngày
ĐH Y Hà Nội sẵn sàng cử chuyên gia phối hợp các cơ sở đào tạo phòng dịch COVID-19
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để đạt được các mục tiêu trong Đề án 316 của Chính phủ về việc tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025, về phía các đơn vị của Bộ Y tế, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học, từ đó tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý và nâng cao chất lượng các xét nghiệm.
Bên cạnh đó cần đầu tư hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học bằng các nguồn vốn và các hình thức đầu tư phù hợp, cụ thể như tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị của các Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm đảm bảo đủ năng lực đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ được giao;
Hỗ trợ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, tự chủ công nghệ sản xuất được các mẫu ngoại kiểm đáp ứng yêu cầu; Đầu tư xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng xét nghiệm và việc liên thông các kết quả xét nghiệm…
Đối với các Trung tâm Kiểm chuẩn, Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị cần đề xuất, tham mưu với Bộ Y tế để cùng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học. Tiếp tục mở rộng triển khai ngoại kiểm trong các lĩnh vực mới của hệ thống y học cận lâm sàng, bao gồm giải phẫu bệnh, sinh học phân tử, hỗ trợ sinh sản….Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về Quản lý và đảm bảo chất lượng  xét nghiệm y học…
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giám sát, hỗ trợ về đảm bảo chất lượng xét nghiệm y học cho các đơn vị, phòng xét nghiệm trên địa bàn được phân công phụ trách…
Về phía các Sở Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm chuẩn, phòng xét nghiệm trên địa bàn quản lý để có đề xuất, thực hiện và chỉ đạo phù hợp về quản lý, bảo đảm chất lượng xét nghiệm y học. Cần chủ động đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các cơ sở trên địa bàn, từ đó nhận thức được các vấn đề cần khắc phục, cần hoàn thiện để từ đó nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng xét nghiệm, cần tăng cường tham gia các chương trình ngoại kiểm thuộc các lĩnh vực xét nghiệm đầy đủ, đều đặn, đúng đắn; có các đề xuất cũng như tham gia các hoạt động đào tạo về quản lý chất lượng xét nghiệm, chuyên môn để tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng xét nghiệm, giảm chi phí, giảm phiền hà cho người dân, tiết kiệm nguồn lực xã hội…

Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống