NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH SẢN XUẤT HUYẾT THANH SỬ DỤNG TRONG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG XÉT NGHIỆM HBV-DNA

NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH SẢN XUẤT HUYẾT THANH SỬ DỤNG TRONG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG XÉT NGHIỆM HBV-DNA

05.06.2024 159

Nguyễn Trần Phương, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thị Thùy

Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B, trong đó việc chẩn đoán và theo dõi lâm sàng chủ yếu dựa trên sự phát hiện kháng nguyên (HBsAg, HBeAg), kháng thể (anti HBs, anti HBc và anti HBe) bằng kỹ thuật ELISA và vật liệu di truyền của virus (HBV – DNA) dựa trên kỹ thuật Realtime-PCR.

Xét nghiệm định lượng HBV-DNA là một xét nghiệm đáng tin cậy và có giá trị trong: theo dõi tốc độ nhân lên của virus từ đó xác định thời điểm điều trị thuốc kháng virus, đánh giá sự đáp ứng và nguy cơ tiến triển dẫn tới xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan ở những bệnh nhân bị bệnh viêm gan B mạn tính. Do nhu cầu bệnh nhân nước ta ngày càng tăng nên số lượng phòng xét nghiệm triển khai kỹ thuật này ngày càng nhiều, trong đó chủ yếu là phương pháp Realtime-PCR bán tự động (bước tách chiết DNA được thực hiện ở ngoài), còn phương pháp Realtime-PCR tự động (tách chiết và định lượng hoàn toàn bằng máy) thì chỉ có ở một số bệnh viện tuyến trung ương.

Với mong muốn cung cấp một bộ mẫu chuẩn sử dụng cho đánh giá chất lượng xét nghiệm định lượng HBV-DNA, Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học – Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Nghiên cứu quy trình sản xuất huyết thanh sử dụng trong kiểm tra chất lượng xét nghiệm HBV-DNA”. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017, là bước đầu xây dựng quy trình sản xuất bộ mẫu huyết thanh chuẩn dùng cho các máy bán tự động thường có ngưỡng phát hiện > 500 copies/mL.

Bộ mẫu chuẩn cho Chương trình đánh giá chất lượng xét nghiệm các phòng thí nghiệm định lượng HBV – DNA với 3 mức nồng độ: âm tính, dương tính nồng độ thấp ( DNA trong khoảng 103-104 copies/mL), dương tính nồng độ cao (DNA >105 copies/mL).

Hình 1: Bộ mẫu chuẩn sau khi chia

Hình 2: Bộ mẫu đông khô trước và sau khi hoàn nguyên

Sau hơn một năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện xây dựng quy trình sản xuất bộ mẫu ngoại kiểm đảm bảo được tính đồng nhất cả trước và sau đông khô dựa theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO/IEC 17043:2011, TCVN 7366 và TCVN 8245, ISO 13528. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các mẫu nồng độ thấp ổn định ít nhất trong 10 tháng và các mẫu nồng độ cao ổn định ít nhất trong 9 tháng. Mẫu cũng hoàn toàn đảm bảo trong vận chuyển và phân phối trong điều kiện miền bắc ở Việt Nam. Như vậy, trong tương lai khi mẫu được sản xuất hoàn toàn có thể áp dụng ở điều kiện nước ta như một số chương trình ngoại kiểm khác, góp phần giúp chúng ta chủ động nguồn mẫu và tiết kiệm chi phí.