Kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 và xét nghiệm tại Bệnh viện K

Kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 và xét nghiệm tại Bệnh viện K

Kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 và xét nghiệm tại Bệnh viện K

02.03.2021 97

Chiều 1/3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có có xét nghiệm tại Bệnh viện K.

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bệnh viện K, cuối giờ chiều qua- ngày 1/3, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cùng đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các chuyên gia của Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm- Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Phổi Trung ương đã đi kiểm tra thực tiễn công tác phân luồng, khai báo y tế, sàng lọc bệnh nhân cung như việc triển khai các giải pháp chống dịch của Bệnh viện, thực hiện tiêu chí Bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch.

Đoàn công tác cũng kiểm tra, khảo sát về việc thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện K ở Khoa Khám bệnh và một số khoa, phòng khác.
Qua kiểm tra thực tiễn, đoàn công tác đã chỉ ra những điểm cần khắc phục, sắp xếp lại để đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc thù của Bệnh viện.

Báo cáo với đoàn công tác, TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K cho biết, để hướng đến mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả điều trị chăm sóc sức khỏe cho người bệnh vừa bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà và cán bộ y tế, Bệnh viện K đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống.

Cung với khai báo y tế điện tử trực tiếp tại khu vực phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, Bệnh viện K đã chủ động xây dựng và hướng dẫn người bệnh khai báo y tế online qua địa chỉ https://www.khaibaoyte-bvk.com.

“Việc khai báo y tế online không chỉ dành cho người bệnh và người nhà, khách đến khám việc mà 100% cán bộ y tế cũng phải thực hiện nghiêm túc, ai chưa khai báo y tế thì không vào bệnh viện” – PGS.TS Lê Văn Quảng nói.
Tại các điểm sàng lọc, cửa ra vào, khu vực khám, điều trị, các chai dung dịch sát khuẩn tay được bố trí tại nhiều vị trí thuận tiện để người bệnh sử dụng. Những người đã được sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy giúp cán bộ nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi.

Bệnh viện cũng yêu cầu nhân viên y tế phải “điều tra dịch tễ” tất cả trường hợp người bệnh đến khám hay chuẩn bị tới tái khám – hẹn khám qua điện thoại đều cần tìm hiểu rõ thông tin, địa chỉ…
Nếu người bệnh có yếu tố dịch tễ, bác sỹ điều trị sẽ chủ động trao đổi thông tin để người bệnh tạm thời lùi ngày đến bệnh viện; việc điều trị sẽ được bác sỹ hướng dẫn, tư vấn cụ thể vừa đảm bảo không làm gián đoạn công tác điều trị, giúp người bệnh không hoang mang.

Đồng thời, Bệnh viện K đã triển khai bố trí 2 phòng khám, cách ly riêng trên 2 container. 2 phòng khám và cách ly được trang bị đầy đủ theo hướng dẫn Bộ Y tế, trường hợp người đến bệnh viện có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được hướng dẫn và đưa đến khu vực này.
Các phương án sẵn sàng để triển khai khám, thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu riêng tại khu vực cách ly nếu người bệnh vừa có biểu hiện nghi ngờ về dịch bệnh, vừa có bệnh lý ung bướu cũng đã được chuẩn bị sẵn.

TS Lê Văn Quảng cũng cho biết thêm, Bệnh viện K tăng cường tần suất vệ sinh khử khuẩn các khu vực công cộng trong toàn bệnh viện, kể cả các vị trí lau tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, thang máy, vòi xịt labo, ghế ngồi … Tất cả các khoa, phòng khám điều trị đều được vệ sinh hàng ngày, khu vực phòng khám vệ sinh tối thiểu 2-3 lần /ngày…
Do đặc thù của công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện K đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho hơn 2.000 cán bộ, y bác sĩ, người lao động và nhân viên công ty dịch vụ; đồng thời xét nghiệm sàng lọc hàng trăm trường hợp bệnh nhân nặng, có yếu tố dịch tễ…

Tại buổi làm việc, Bệnh viện K cũng đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ cho Bệnh viện thêm 1 máy xét nghiệm và được công nhận là cơ sở xét nghiệm khẳng định.

Các thành viên đã góp ý bệnh viện trong công tác phân luồng, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên sàng lọc, vấn đề giãn cách người bệnh, các quy trình đón tiếp, quản lý người bệnh ra và vào bệnh viện… cũng như việc báo cáo thông tin về kết quả xét nghiệm trước khi có thông tin chính thức để tránh gây những hoang mang không cần thiết.

Trước đó ngày 23/02/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại Bệnh viện K đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trước đó kết quả xét nghiệm của Bệnh viện K là nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, gây hoang mang và lo lắng trong bệnh viện và người bệnh).
Để giúp Bệnh viện K tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã giao Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường Đại Học Y Hà Nội hỗ trợ, giám sát, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp, rút kinh nghiệm (nếu có) đối với trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả khác nhau nêu trên của Bệnh viện K để liên tục cải tiến chất lượng xét nghiệm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Huy Thịnh- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường Đại Học Y Hà Nội đã báo cáo kết quả làm việc với Bệnh viện K theo chỉ đạo tại Công văn số 189/KCB- QLCL&CĐT ngày 24/2 của Cục quản lý Khám, chữa bệnh về việc hỗ trợ, giám sát, bảo đảm chất lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện K.



Theo PGS.TS Trần Huy Thịnh, Bệnh viện K cần rà soát một số quy trình chuyên môn và tất cả các quy trình trong Bệnh viện phải có sự phê duyệt của Giám đốc Bệnh viện. Đặc biệt, Bệnh viện phải xây dựng và rút kinh nghiệm trong quy trình quản lý, báo cáo thông tin, đặc biệt là những thông tin liên quan đến dịch bệnh phải đảm bảo tính chính xác, đúng người, đúng việc. Các thành viên cũng góp ý bệnh viện cần tập huấn, bổ sung nhân lực cho công tác xét nghiệm…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá cao Bệnh viện K đã chủ động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc cho người bệnh, nhân viên y tế, người chăm sóc tại Bệnh viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, phòng chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ còn dài trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Do đó, các bệnh viện không thể làm “tạm bợ, đối phó”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê và các thành viên trong đoàn ủng hộ Bệnh viện K sớm hoàn thiện các góp ý của đoàn để Phòng xét nghiệm của Bệnh viện được xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 vì bệnh nhân ung thư đa số đều suy giảm hệ miễn dịch. Việc đảm bảo công tác xét nghiệm sẽ giúp bệnh viện chủ động trong công tác phòng chống dịch và đáp ứng việc điều trị cho người bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện K phối hợp Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, Viện Vệ sinh dịch tễ TW tập huấn về công tác xét nghiệm; Bệnh viện Phổi TW hỗ trợ Bệnh viện K triển khai kỹ thuật xét nghiệm Gene Xpert…

Bệnh viện K cần tiếp tục cập nhật và nghiên cứu kỹ các văn bản của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 và các văn bản hướng dẫn của Cục quản lý Khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện K tiếp tục thực hiện Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện và Bộ 37 tiêu chí phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện.

Theo suckhoedoisong.vn